TIN TỨC & SỰ KIỆN

Tin tức


Trong bất ổn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sáng

05/07/2022 • News Tiến Phước Tin tức

Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chậm lại do ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong nước và thế giới. Tuy nhiên, sự chậm lại này là “nhịp thở” cần thiết giúp thị trường thanh lọc, doanh nghiệp có cơ hội điều chỉnh để mang lại những sản phẩm có giá trị thật cho nhà đầu tư lẫn người mua ở thực.

Nền kinh tế nhiều thách thức

Tại hội thảo “Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022” do CafeLand vừa tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng nhận định đưa ra nhận định: nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang trải qua giai đoạn có nhiều bất ổn.

Phó giáo sư Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho biết, thế giới toàn cầu hóa với nhiều rủi ro, tai họa trên toàn tuyến như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế – y tế… và khi những rủi ro, tai họa đó cộng hưởng sẽ gây ảnh hưởng vô cùng lớn. GDP toàn cầu đã có một năm rơi xuống mức -5%, đây là “cú ngã” mạnh nhất từ trước tới giờ. Trong khi đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến vật giá mọi loại hàng hóa leo thang, lạm phát toàn cầu tăng cao.

Trong nước, thị trường chứng khoán đang đà đi xuống khiến nhà đầu tư lao đao. Trong khi đó, bất động sản cũng có những vấn đề như giá tăng quá “nóng”, khan hiếm nguồn cung, siết van tín dụng từ ngân hàng… Liên quan đến “siết” tín dụng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết dòng tiền đầu tiên của thị trường bất động sản (BĐS) là nguồn vốn tín dụng. Theo đó, vốn tín dụng được xem là bà đỡ của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay có đến 80-85% doanh nghiệp phải huy động vốn từ thị trường hay còn gọi là nguồn vốn tín dụng. “Chúng tôi đề nghị xem xét lại, theo hướng các dự án bất động sản có tính khả thi, các doanh nghiệp có uy tín, khách hàng được đánh giá cao vẫn được tiếp cận tín dụng, người tiêu dùng có nhu cầu cũng được tiếp cận”, ông Châu nói.

Không phủ nhận những khó khăn của nền kinh tế đang đối diện, song các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội. Đặc biệt, bất động sản Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư với các nhà đầu tư quốc tế. Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, nhìn trên bản đồ đầu tư thế giới, có thể thấy, bức tranh bất động sản Việt Nam nhỏ bé nhưng vẫn là điểm nóng của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tong khu vực Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hongkong. “Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, Việt Nam được xem là một trong những điểm sáng nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Khương nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, Ông Đặng Hoài Nam, Giám đốc kinh doanh CTCP BĐS Tiến Phước, cho biết một số dữ liệu báo cáo cho thấy rằng thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chậm lại nhưng không phải đứng hẳn.

Theo ông Nam, sự chậm lại là cần thiết, là sự thức tỉnh dành cho cả doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư, khách hàng. Đây là cơ hội, là thời điểm để những doanh nghiệp uy tín khẳng định vị thế với những sản phẩm thật, mang lại giá trị thật cho nhà đầu tư, khách hàng.

Nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE, trong quý 2/2022, thị trường đã sáng hơn khi số lượng sản phẩm tăng cao đột biến so với cùng kỳ, đạt gần 13.000 căn. Tổng nguồn cung mới trong nửa đầu 2022 gần bằng nguồn cung mới cả năm 2021. Điều này cho thấy thị trường có sức bật rất cao. Đặc biệt, giá bất động sản liền thổ tăng mạnh khi các dự án mới xác lập mức giá kỷ lục.

“Giá sản phẩm trung bình 200-400 triệu đồng/m2, đặc biệt có những sản phẩm biệt thự lên đến 700 tỉ đồng/căn, tạo ra mức giá mới trên thị trường biệt thự TP.HCM”, ông Kiệt nói.

Ông Đặng Hoài Nam chia sẻ tiềm năng của thị trường bất động sản

Theo ông Đặng Hoài Nam, trải qua giai đoạn nhiều thử thách, tâm lý đầu tư của khách hàng cũng trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, những sản phẩm ở những vị trí chiến lược, được quy hoạch một cách bài bản, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ cơ sở hạ tầng tốt, quản lý một cách chuyên nghiệp vẫn được khách hàng tìm kiếm.

Đặc biệt, tại những đô thị có tốc độ phát triển nhanh như TP.HCM thì nguồn cung sản phẩm dự án đạt được chất lượng, mang lại giá trị sống như vậy là không nhiều.

“Được an cư và nâng cao chất lượng sống vẫn luôn là nhu cầu rất lớn trong đại bộ phận người dân”, ông Nam nói.

Ông Nam chia sẻ thêm, hiện Tiến Phước đang tập trung nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm nhà phố tại những vị trí chiến lược như khu Nam TP.HCM hay TP. Thủ Đức. Đây là loại hình đang khan hiếm nguồn cung, tiềm năng tăng giá mạnh và có giá trị như một kênh tích lũy tài sản an toàn trong bối cảnh có nhiều bất ổn nên luôn được săn đón.

Anh Thắng, một nhà đầu tư cho biết, nguồn cung khan hiếm đang đẩy giá nhà đất tăng cao. Thậm chí, nhiều dự án căn hộ đang có giao dịch thứ cấp giá ngang ngửa với phân khúc thấp tầng. Tuy nhiên, nhà phố vẫn là lựa chọn tối ưu của nhà đầu tư bởi giá bán vẫn luôn tăng theo thời gian.

Khảo sát thực tế, tại khu Nam TP.HCM nhiều dự án nhà phố, biệt thự tại Phú Mỹ Hưng hay các dự án lân cận như Senturia Nam Sài Gòn, Lavila Kiến Á, ZeitGeist… được đầu tư một cách bài bản từ các chủ đầu tư uy tín trở thành ưu tiên trong lựa chọn của nhiều nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông như hệ thống hầm chui – cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát, mở rộng đường trục Bắc – Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh, mở rộng và xây dựng đường song hành quốc lộ 50, xây Cầu Thủ Thiêm 4, tuyến Metro số 4… kỳ vọng sẽ tạo đột phá lớn cho bất động sản phản khu Nam TP.HCM trong thời gian sắp tới.